[kkstarratings]
Thủy ngân là nguyên tố hóa học có ký hiệu Hg trong bảng tuần hoàn, tồn tại ở nhiều dạng: nguyên tố, vô cơ và hữu cơ. Đây là kim loại không tan trong nước, có thể bốc hơi tương đối dễ khi ở nhiệt độ phòng. Thủy ngân được sử dụng trong các thiết kế, áp kế, máy đo huyết áp thủy ngân và các thiết bị khoa học khác.
Thủy ngân ở dạng nguyên tố lỏng thì ít độc nhưng các hợp chất, hơi và muối của nó lại rất độc. Có thể gây tổn thương não và gan nếu con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Nó còn tấn công hệ thần kinh trung ương và nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm, răng, thậm chí gây khuyết tật thai nhi.
Khi cặp nhiệt độ bị vỡ thủy ngân sẽ trôi ra sàn nhà và không dễ gì hớt lên được. Hơn nữa, khi chất lỏng rơi ra từ nhiệt kế khiến mọi người tò mò nhiều hơn là đề phòng. Bạn có thể muốn sờ vào những hạt nhỏ như bong bóng nước đó, tuy nhiên việc này rất có hại bởi những hạt nhỏ đó có thể tan ra thành khí độc, làm hại phổi. Chất thủy ngân dễ dàng liên kết với chất béo trong máu và mô khiến nội tạng của con người bị ảnh hưởng, đặc biệt là hệ thần kinh. Chất lỏng này còn có thể xuyên qua cuống nhau để lọt vào tử cung, gây hại cho thai nhi.
Triệu chứng khi ngộ độc thủy ngân cấp tùy thuộc vào dạng ngộ độc, thời gian tiếp xúc, nồng độ… Chẳng hạn nếu hít phải thủy ngân có thể dẫn đến bệnh phổi cấp tính nặng khiến nạn nhân ho, khó thở, đau tức ngực, sốt, ớn lạnh… Ngoài ra còn gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói, viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng một tuần.
Tuy nhiên trong một số trường hợp có thể diễn tiến nặng hơn dẫn đến phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Ngộ độc mạn do hít thủy ngân gây ra viêm lợi, run giật tay, rối loạn tâm thần kinh, vị kim loại, khó thở, ói mửa.
Nhiễm độc thủy ngân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vậy cách xử trí thủy ngân khi nhiệt kế bị vỡ như thế nào để không bị nhiễm độc? Bạn hãy theo dõi hướng dẫn dưới đây:
Chuẩn bị: Ngay sau khi thủy ngân chảy ra từ nhiệt kế, bạn hãy cấp tốc đưa trẻ nhỏ và súc vật ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Và bạn cũng không nên đi lại quanh khu vực đó, để không dây chất lỏng ra khắp nhà. Hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào – điều này sẽ khiến thủy ngân khó tan trong không khí. Tuyệt đối không được để gió lùa. Tại nơi thủy ngân rơi ra, cần dùng đèn chiếu sáng từ phía bên lại. Khi mọi hạt nhỏ hiện rõ, ta có thể bắt tay vào thu dọn. Chú ý đeo găng tay và không để cho giọt thủy ngân tiếp xúc với da tay.
Thu dọn: Tuyệt đối không được dùng máy hút bụi để thu dọn thủy ngân! Ta thu gom các hạt thủy ngân bằng chổi lông mềm và dùng giấy mềm hót như xẻng. Hoặc có thể dùng giấy thấm hoặc dụng cụ y tế. Nhưng phải rất khéo tay vừa hót vừa đỡ, nếu không giọt thủy ngân sẽ rơi ra ngoài. Nếu thủy ngân vỡ thành hạt nhỏ, bạn có thể lấy giấy báo , ngâm với nước và vắt khô. Thủy ngân được thu gom bởi cách nào đi nữa thì cũng phải cho vào hộp đậy nắp kín.
Sau từ 1-2 tiếng có thể bắt tay vào lau dọn nền nhà. Trước hết hãy rửa sạch vùng bị bẩn bằng nước xà phòng, sau đó lau sạch. Quần áo cần ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút, sau đó ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70-80 độ. Nếu có điều kiện nên ngâm tiếp 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh.
Thông gió: Chất thủy ngân khi tiếp xúc với nhiệt độ trong phòng thường lan tỏa và không khí trong toàn bộ khu vực đó bị ô nhiễm. Vì vậy sau khi đã thu dọn, bạn cần thông gió cho căn phòng. Cần mở cửa thoáng trong vòng vài giờ liền.
Sau hàng loạt các công tác đẩy lùi chất độc, bạn cần uống thật nhiều nước vì ta có thể đào thải chất độc thủy ngân qua đường thận. Bạn cũng nên ăn thật nhiều hoa quả tươi. Chỉ cần vài động tác đơn giản như trên là bạn đã diệt được nguy cơ nhiễm độc thủy ngân.
Lưu ý, khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân như nhức đầu, buồn nôn, đau họng, sốt… hãy nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được y bác sĩ can thiệp giải độc kịp thời.